Những câu chuyện về mẹ

(…tiếp theo)

Tôi rất thích ngắm mình trong gương … khắp nơi trong nhà tôi chỗ nào cũng có gương, phòng ngủ có 2 cái gương rất to cộng thêm nhiều chiếc gương lớn bé trên bàn trang điểm để đảm bảo tôi có thể chiêm ngưỡng mình khi ngủ, khi trang điểm, lúc xịt nước hoa, trong và sau khi thay đồ, và kể cả khi không mặc đồ. Tôi ngắm nhìn mọi chi tiết trên cái cơ thể mà mẹ đã ban tặng cho tôi. Xưa kia khi mẹ còn sống tôi không hay nghĩ về mẹ như bây giờ. Tôi nhớ mẹ mỗi lần ngắm nhìn mình trong gương.

Ngôi nhà tuổi thơ có nhà chính, nhà ngang và bếp. Nhà chính có 3 gian, gian giữa là phòng khách, gian bên phải có 3 phòng, phòng của bà nội ở ngay gian lồi, phòng giữa của em trai và cũng sử dụng cho mỗi lần có khách đến chơi (nên em trai luôn phải ngủ chung với khách vì hầu như ngày nào nhà cũng có khách ngủ qua đêm), phòng trong góc là phòng của 3 chị em gái. Phòng của cha và mẹ được gọi là buồng chiếm nguyên cả gian nhà bên trái. Gọi là buồng nhưng có hai cửa ra vào, một cửa thông với phòng khách, cửa kia thông với nhà ngang để đi xuống bếp, không có cửa đóng lại mà chỉ ngăn cách bằng với bên ngoài bằng ri đô. Vậy nên, cha mẹ hầu như không có sự riêng tư cần thiết để sinh hoạt phòng the. Có một lần, tôi không nhớ rõ lúc mấy giờ, buổi tối hay một buổi chiều cuối tuần, theo thói quen tôi vén ri đô bước vào buồng, thấy mẹ đang khỏa thân đứng trước gương ngắm nghía và vuốt ve cơ thể mình. Tôi xấu hổ, cảm giác mặt tôi đỏ rần lên, định bước ra nhưng tôi tò mò ngắm tấm lưng trắng ngần và liếc vào gương nhìn đôi ngực trần thật đẹp của mẹ, mẹ bỗng nhận ra tôi nên lúng túng tìm gì đó để che lại. Tôi vội bước ra ngoài, không xin lỗi mẹ, cũng chẳng nói gì … mà mãi cho đến khi mẹ đi xa, tôi cũng chưa một lần đề cập đến chuyện này với mẹ, hai mẹ con bỏ qua chuyện này, coi như là không có gì xảy ra. Suốt nhiều năm tháng của tuổi dậy thì, tôi cứ tự hỏi mình sao mẹ lại có thể không mặc gì và ngắm mình trong gương như thế, hay mẹ đang chuẩn bị làm chuyện gì đấy với cha, sao mẹ không mắc cỡ, khi đi ngủ mẹ có mặc đồ không … những thắc mắc đó theo tôi đến tận bây giờ… Giờ mẹ đã đi xa, tôi thực sự cũng không hiểu hết mẹ, nếu không muốn nói là không hiểu, tôi không biết mẹ có hạnh phúc với cha hay không. Cha và mẹ mỗi người một phòng từ nhiều năm, tôi cũng chẳng nhớ là tự bao giờ. Tôi quan sát thấy cha và mẹ vẫn không thể sống thiếu nhau, đi xa một chút lại tìm về với nhau nhưng mẹ luôn cáu bẳn với nhiều thói quen của cha mà tôi chắc chắn những thói quen đó đã có từ rất lâu, từ cách cha ăn cơm, cách cha chăm sóc cơ thể mình, cách cha nói chuyện với mọi người xung quanh. Mỗi lần nghe mẹ nói “nhai gì mà cứ nhóp nhép như thế, xấu lắm”, “cha mi bẩn lắm, chắc mấy ngày không tắm” (mà tôi chắc chắn rằng cha rất sạch J), “ông giống làm thầy thiên hạ quá đi” … cha chỉ cười hiền, hoặc lắm khi bực quá thì bỏ đi nơi khác. Mẹ bệnh, mỗi lần tôi và các em đưa mẹ vào Sài Gòn hay đi Singapore điều trị, nếu không có cha đi theo tôi thường nghe mẹ nói “cha mi vừa gọi điện thoại, ghét không muốn nghe”. Chẳng hiểu “không muốn nghe” thế nào, nhưng vẫn thấy kể cha mi kể thế này, cha mi nói a ri … Nếu có cha đi cùng để chăm sóc mẹ lại nói “tau nỏ muốn cho đi nhưng cứ đòi đi”. Nói là nói thế thôi nhưng tôi thấy gương mặt mẹ rất vui, cười suốt và luôn lên kế hoạch đi chơi với cha, đi thăm bà con họ hàng, thăm bạn bè trong thành phố, ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Những năm sau ngày Sài Gòn giải phóng, cha được cử vào Đồng Tháp làm cán bộ cao cấp, mẹ ở nhà nuôi 4 chị em chúng tôi, lâu lắm, hình như cả năm, cha mới được về phép một lần. Tôi không thể nhớ được mẹ đã làm thế nào mà một mình mẹ (và bà nội) có thể chăm sóc chúng tôi trong ngần ấy năm không có cha. Hết nhiệm kỳ công tác, cha về, lúc đó tôi chưa tới 10 tuổi, là một cô bé khờ dại, còn không hiểu được tại sao cứ đi lên đi xuống mấy bậc thang mà lại lên được tít trên sân thượng của nhà tầng Quang Trung (khu nhà tầng được Đông Đức tài trợ xây dựng cho thành phố Vinh), rồi lại cứ đi lên đi xuống mấy bậc thang là lại xuống được dưới đất để đi về nhà mình. Đêm nào tôi cũng thấy cha rút cây kiếm dài của ông nội để lại từ trên vách xuống, lấy đá mài ra, đổi nước lên đá mài rồi mài cho cây kiếm sáng loáng, cha vừa mài vừa nói “tui giết con Loan” (Loan là tên mẹ của tôi). Mẹ sợ chết khiếp, cứ đi làm về là phải trốn ở nhà bạn hay nhà bà con. Thời kỳ đó, cứ tối đến nhà tôi rất đông người, mọi người tập trung đến để khuyên nhủ cha tôi, để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra giữa cha và mẹ và tìm cách giúp đỡ tháo gỡ, giải quyết. Nhiều lần lắm, mẹ vừa khóc vừa dẫn bốn chị em tôi đi ra nhà tầng, dẫn lên tận tầng năm rồi lại dẫn xuống đất “các con về nhà đi, xem cha làm gì, rồi tí mẹ về”. Bốn chị em về tới nhà, được cha ôm vào lòng nhưng đứa nào cũng sợ run cầm cập. Cha hỏi “trong thời gian cha đi vắng, các con có thấy chú H đến nhà chơi không?”, em trai và em út tôi còn bé tí tẹo, tôi và Bự đồng thanh trả lời “dạ có”. Cha lập tức đẩy mấy chị em tôi ra, đi kiếm cây kiếm đã được mài sắc, vừa tìm vừa nói “tui giết con Loan”. Mọi người xúm lại ôm và ghì chặt cha để ngăn cản không cho cha làm điều dại dột, mà cây kiếm cũng đã được mọi người vứt xuống đáy ao trước nhà, còn mẹ thì cũng đang trốn ở một nhà nào đó. Nhiều đêm, cha kêu cả bốn chị em vào hỏi “cha và mẹ ly dị thì các con sẽ ở với ai?” – cả bốn chị em mặt tái mét, chẳng hiểu cha muốn nói gì mà chỉ sợ cha “giết chết con Loan” thôi. Loáng thoáng những lời tâm sự của mẹ trong nước mắt với mọi người rằng đã nhiều lần mẹ muốn nhảy từ tầng năm nhà tầng xuống tự tử nhưng khi nhìn xuống mẹ thấy hoặc cậu út, hoặc bà nội đang dẫn chúng tôi đi qua đi lại ở dưới nên mẹ lại thôi. Một thời gian sau, chuyện đó không xảy ra nữa, tôi cũng không biết bao lâu sau, và cha mẹ đã vượt qua chuyện đó như thế nào, đến giờ mẹ đã đi xa nhưng tôi cũng không dám hỏi cha, nhưng hồi đấy tôi nghe loáng thoáng rằng cha bị ảnh hưởng thần kinh (???)…

Gia đình tôi lại rộn tiếng cười, cha và mẹ hiếm khi nào sống xa nhau nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến thấy cha và mẹ tình cảm với nhau như một đôi tình nhân, nên khi mẹ đã rời xa thế giới này tôi cứ tự hỏi mình liệu mẹ có được cha âu yếm, ôm ấp và chăm sóc như tôi may mắn có được hay không? Tôi và các em cũng hiếm khi ôm và hôn mẹ, đặc biệt là tôi. Tôi nhớ mình chỉ ngủ cùng giường với mẹ có vài lần trong đời thôi, nhớ duy nhất một mùa đông về thăm nhà tôi ngủ với mẹ, muốn ôm mẹ cho ấm mà không dám, mẹ thấy chân tôi lạnh ngắt mẹ lấy chân mẹ quặp vào hai chân tôi để làm ấm cho đến lúc tôi ngủ say. Bao nhiều lần đưa mẹ đi điều trị, nhìn mẹ mệt và đau tôi muốn ôm mẹ thật chặt để cho mẹ bớt đau thế mà tôi cũng chỉ đặt được tay lên trán mẹ, bóp bóp đầu mẹ chút xíu thế thôi.

Hình ảnh mẹ ngực trần, lưng trần soi mình trong gương theo tôi suốt từng giây phút, tôi nhớ mẹ, cho đến khi mẹ đi xa tôi mới chợt nhật ra rằng mẹ cũng như tôi và bao phụ nữ khác, luôn khao khát cơ thể và tình cảm của mình được mơn trớn, được chăm sóc và được chiều chuộng.

(còn tiếp …)

Lệ Thu GUILLON

Mỗi người có một cách định nghĩa về cuộc sống đẹp của chính mình. Lệ Thu định nghĩa bằng từng khoảnh khắc cụ thể chị sống với chính mình và mọi thứ xung quanh, gói gọn trong 3 từ “live – love – laugh”, với ý nghĩa sống hết đam mê, yêu hết mình và luôn mỉm cười với mọi thứ. Người phụ nữ này khiến người ta đan xen giữa lòng ngưỡng mộ và sự ghen tị. Bởi chị đối đãi với cuộc sống bằng sự say mê, hân hoan. Bàn tay biết bắt giữ từng khoảnh khắc hạnh phúc và cả niềm kiêu hãnh.

1 Comment

  1. Em thật sự xúc động khi đọc những bài viết của chị và Bự về gia đình.

Leave a Reply

Latest from Family

Cha xuất ngoại

Nói “xuất ngoại” cho oai thế thôi nhưng thực chất là cha đưa mẹ sang Singapore

Chị THU & BỰ

Chuyện của Bự viết … chuyện thật 100% 25 NĂM TRƯỚC … Hai chị em sống

CHỊ & EM

Bự của tôi viết về hai chị em tôi – Chị trong câu chuyện này là

Discover more from Lệ Thu Guillon

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading