Mẹ ra đi về nơi chin suối, nơi mẹ yên giấc ngủ ngàn thu đã gần bốn năm, nhưng không lúc nào tôi không nguôi nhớ mẹ, nhớ nhất vào mỗi sáng thức dậy, khi lái xe đi làm, khi lái xe đi làm về hay giữa khuya tỉnh dậy, hình ảnh mẹ lúc xuất hiện thật vui, lúc xuất hiện thật buồn, nhiều cảm giác nuối tiếc vì thời gian không còn quay trở lại để tôi được có mẹ như xưa, để mình có thể biết đâu mang đến cho mẹ nhiều niềm vui hơn, làm cho cuộc sống của mẹ tròn đầy hơn.

Thời gian trôi đi, cái ngày mẹ ra đi càng xa xôi, hình ảnh và kỷ niệm về mẹ ngày càng rõ nét, tôi càng nhớ nhiều về những câu chuyện, hình ảnh và cuộc sống của mẹ. Trước ngày mẹ ra đi, mẹ nhắn gọi gần hết tất cả những người mà mẹ muốn gặp đến để mẹ được nắm tay, nhìn mặt lần cuối, để mẹ chào tạm biệt ra đi. Mẹ nói “không còn ân hận hay nuối tiếc gì nữa”. Nghĩa là mẹ đã rất yêu cuộc sống trên cõi tạm của mẹ, yêu hết những vất vả nhọc nhằn, nghèo đói, sướng khổ, đau đớn về tinh thần và thể xác, lúc vất vả, khi nhàn hạ, mọi khó khăn hay thuận lợi trong suốt đời mẹ. Mẹ hôn mê sâu khoảng 36 tiếng trước khi mẹ trút thơi thở cuối cùng, mắt mẹ hầu như nhắm nghiền, mẹ không còn nói được nữa. Trước thời điểm đó, ngày mồng 6 Tết, trời nắng đẹp, mẹ nằm đó trong phòng ngủ của mẹ, trên chiếc giường đơn sơ, tinh thần mẹ vui lắm, mẹ cười nói sảng khoái, nắm chặt tay những người đến thăm ôn lại kỷ niệm xưa. Có thể nào tưởng tượng được rằng 2 ngày sau đó mẹ sẽ ra đi. Tất nhiên mẹ biết hơi thở của mẹ sẽ sớm tắt, mẹ sẽ sớm phải chia tay mãi mãi với cuộc đời này, nhất là trước đó một ngày khi mẹ đồng ý để chúng tôi đưa mẹ từ bệnh viện về nhà với cái bình ô xy to tướng. Tối hôm đó, có lẽ là buổi tối hạnh phúc nhất của chúng tôi trong suốt nhiều năm kể từ ngày mẹ ra đi, cả nhà quây quần bên mâm cơm, có những món ăn mẹ làm tiếp các con mỗi lần chúng tôi về thăm nhà. Em trai tôi giúp mẹ tắm rửa vệ sinh cá nhân xong, mẹ bảo đỡ mẹ ngồi lên ghế, đẩy mẹ tới bàn để mẹ cùng ăn tối với cả nhà. Chồng của mẹ, là cha của chúng tôi, loay hoay và lo sợ rằng mẹ không ngồi vững được, lo mẹ không thở được nếu không có hỗ sợ của bình ô xy, mẹ liếc xéo bắt nạt cha như thường lệ ý nói rằng “tôi làm gì mặc kệ tôi”. Cả nhà đều nín thở lo lắng nhưng ai nấy đều cố gắng dấu đi cảm xúc của mình. Em trai tôi và em gái tôi đút cho mẹ ăn, thỉnh thoảng cả nhà vẫn đùa dỡn để có được những nụ cười sảng khoái của mẹ.

Thời gian như quay lại tuổi thơ của mấy chị em tôi, cái thời các bữa ăn diễn ra xung quanh mâm cơm dưới sàn nhà trên cái chiếu, mẹ lúc nào cũng là trung tâm của những bữa tiệc tùng cười vang xóm diễn ra ở trong ngôi nhà chúng tôi. Tôi không nhớ lắm, cứ bao lâu cha và mẹ lại mời bạn bè tụ tập ở nhà, nhưng rất thường xuyên, tới mức chị em tôi và các cô chú bạn cha mẹ trở thành quen thân. Mỗi lần có khách, mẹ dậy sớm đi chợ, mẹ về cũng là lúc các cô các chú tới nhà, các chú làm việc nặng như chẻ củi, múc nước dưới giếng lên đổ đầy vào hồ lọc nước, các cô giúp mẹ nấu nướng, trải chiếu dọn mâm. Khách ngồi chật gian giữa của ngôi nhà ba gian nơi vừa là phòng ăn, vừa là phòng tiếp khách, vừa là phòng sinh hoạt chung cho cả gia đình. Mẹ sắp xếp chỗ ngồi cho tất cả mọi người, rổn rảng chuyện trò, thỉnh thoảng pha trò cho mọi người cùng cười, rồi mẹ cười, nụ cười thật tươi nhưng âm thanh phát ra từ nụ cười của mẹ thì thật khó có thể nào mô tả cho đúng, gương mặt và đôi mắt cười trước rồi từ trong cổ họng mẹ phát ra âm thanh của nụ cười nghe nó cứ khằng khặc và chẳng ăn nhập gì với ánh mắt và gương mặt cười của mẹ. “Nụ cười chụt choẹt”, như cách mà chúng tôi đặt tên, lan sang từ người này qua người khác, và rồi các trận cười cứ thế ngả nghiêng cho niềm vui và hạnh phúc tràn đầy trong ngôi nhà nhỏ – nhà bà Rớt (tên cúng cơm của bà nội) cùng với những đôi đũa lách cách gắp đồ ăn, những cốc bia hay chén rượu nếp làm ửng hồng các gương mặt và những câu chuyện râm ran ….
(còn tiếp)