Bự của tôi, em gái tôi, viết về Bà (chúng tôi gọi Bà Nội là Bà), nhân Lễ Cải táng đưa bà về nơi ở mới trên miền cực lạc
Bà nội tôi tên là Nguyễn Thị Bốn nhưng bà con xa gần và hàng xóm láng giềng vẫn thường gọi bà là Bà Rớt. Chúng tôi, những đứa cháu của bà, mãi đến sau này lớn lên, chuẩn bị “thoát li” phải khai sơ yếu lý lịch thì mới biết tên thật của bà.
Bà tôi có 3 người con. Hai O và cha tôi là út. Bà thương cha tôi nhất nhà, chắc là vừa con trai duy nhất lại vừa là út ít.
Ông nội đi lính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lúc bà mới 24 tuổi và cha tôi còn là đứa bé mới ra đời được 2 tuần. Rồi ông đi luôn không bao giờ trở về nữa. Ba năm sau bà nhận được giấy báo tử. Ông nội đã hy sinh và không tìm thấy xác. Bà tôi đã ở vậy nuôi ba đứa con khôn lớn thành người. Con gái đầu của bà (tôi gọi là O)lúc còn sống là giám đốc công ty thực phẩm ăn uống thành phố Vinh (thời bao cấp). O thứ hai là tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm trung ương (đã nghỉ hưu hơn hai chục năm nay). Thời cách đây mấy chục năm, O đã từng đi nước ngoài như đi chợ. O rất giỏi và là thần tượng của mấy chị em tôi. Cha tôi không được làm giám đốc như hai chị gái, nhưng thời trai trẻ của ông cũng hoành tráng không kém!
Trong 3 người con, cha tôi được bà cưng nhất. Nhớ lần đầu tiên bà đi máy bay từ Hà nội vào Sài Gòn, khi tiếp viên hỏi bà uống gì và họ giải thích tất cả đều miễn phí, bà dõng dạc kêu bia. Tôi trố mắt nhìn tưởng mình nghe nhầm. Bà nhìn tôi mắt lấp lánh: để cất về cho thằng Ngọ (tên của cha tôi)! Vậy đấy, những gì ngon lành, hay ho tốt đẹp nhất bà đều dành cho cha tôi.
Tôi cũng là đứa cháu được bà thương nhất trong 7 đứa cháu cả nội lẫn ngoại của bà. Thời mẹ sinh tôi, chiến tranh và bom đạn liên miên, cha mẹ phải theo cơ quan. Bà ôm tôi và chị gái tôi đi sơ tán khắp nơi theo địa phương. 7 tháng tuổi tôi đã phải cai sữa mẹ, bú vú bà. Thủa nhỏ tôi thường ốm đau vặt vãnh và bà đã nuôi tôi rất cực khổ. Bốn chị em tôi từ bé tới lớn đều một tay bà chăm sóc. Chắc đó là lý do chúng tôi gần gũi bà nội hơn là với mẹ. Mãi về sau, tốt nghiệp đại học, ra đi làm rồi, mỗi lần về thăm nhà, tôi vẫn ngủ với bà và sờ tí bà. Chờ tôi ngủ say, bà gỡ nhẹ tay tôi ra, chửi yêu: cha tổ cha mi!

Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên trong đời thấy bà khóc.
Đó là một buổi chiều mùa đông cuối năm, khi tôi còn là một học sinh lớp 10. Đi học về, bụng đói meo, tôi thả cặp vở, miệng kêu bà ơi và chạy vội vào bếp tính lục cơm nguội ăn. Tôi sững người thấy bà nội đang ngồi ôm gối khóc rấm rức. Bếp củi lạnh tanh. Tôi rụt rè kêu “bà ơi”, bà vội vàng im bặt bà quay đi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi ôm bà năn nỉ: bà có chuyện gì kể cho cháu nghe đi, cháu hứa sẽ không cho ai biết. Lúc này, dường như không kiềm chế được nữa, bà buột miệng: “con nuôi mà nuôi từ khi còn đỏ hỏn thì khác chi con đẻ!” Tôi ngơ ngác không hiểu gì.
Bà vừa khóc vừa kể…
“Trước ngày ông nội bây đi lính 3 ngày, ông bồng về một đứa trẻ mới 2 tuần tuổi đưa cho bà và nói: “thương lấy hấn, hấn là giọt máu của tui”. Lúc đó bà cũng mới đẻ một đứa được hơn một tháng, nhưng không nuôi được. Bà nuôi cha bây bằng hai bầu vú sữa căng tròn ấy. Hơn 50 năm nay bà chưa hề nói với ai. Rứa mà không hiểu răng, tự nhiên cha mẹ bây lại đi tìm mẹ ruột…”
Tôi nghe và choáng váng. Với nhận thức của đứa trẻ mới lớn vừa đủ trí khôn, tôi thực sự thấy thương bà và giận cha mẹ tôi. Tôi ôm bà khóc: “không đâu bà ơi, chỉ có bà là bà nội của con thôi!”
Một thời gian ngắn sau đó, tôi không còn thấy cha mẹ tôi nhắc đến chuyện đi tìm mẹ ruột cho cha tôi nữa. Chắc là cũng như mò kim đáy bể. Nghe đâu sau khi trao cha tôi cho ông nội tôi, bà đã bỏ xứ đi rất xa và không ai còn nghe tin tức gì về bà nữa.
…
Năm 2005, tôi về quê ăn Tết cùng gia đình. Ngày tôi bay vào Sg để lên đường về Mỹ, bà nhìn tôi nước mắt lưng tròng: lần ni đi là không còn nhìn thấy bà nữa mô. Tôi còn đùa: chị Rớt yên tâm đi, cháu sẽ lái máy bay đón chị Rớt sang Mỹ một chuyến trước khi chị được phong chức… “chủ tịch giun dế” (trong nhà chỉ có tôi dám đùa với bà ngang hàng như thế và không hề bị giận. Nếu là ai khác thì… chết ngay.)
Thế mà như là điềm gở. Tôi về Mỹ được 2 tuần thì bà bị tai biến nặng, mặc dù trước đó bà rất khỏe mạnh. Tôi vội bay về và vào bệnh viện ngay với bà. Bà nằm mê man bất tỉnh trên giường bệnh, nhưng khi nghe giọng nói của tôi, tay bà nhúc nhích cử động, mắt bà cố dướn lên, gương mặt bà giãn ra … và khoé mắt bà là hai giọt nước mắt hiếm hoi chợt lăn dài… đó là hình ảnh cuối cùng về bà mà suốt đời tôi không thể nào quên được. Suốt một tuần chăm bà trong viện, đêm nào tôi cũng cầu (nếu được) xin giảm tuổi thọ của tôi xuống 10 năm để bà tôi được tỉnh lại và sống thêm vài năm nữa với chúng tôi.
Hai O và cha tôi cố gắng mọi cách nhưng bà vẫn không tỉnh lại. Bà nằm bán thân bất toại như vậy suốt một năm trời. Những tháng ngày này chúng tôi mới thấy được tấm lòng & tình yêu thương của cha tôi dành cho bà. Cha chăm bà như chăm một đứa trẻ, từ cơm nước, tắm rửa cho bà, dỗ dành đút cho bà từng thìa cháo…
Bà ra đi cuối tháng giêng năm 2006, thượng thọ 90 tuổi.
…
Suốt 13 năm qua, thỉnh thoảng bà vẫn qua Mỹ thăm tôi. Tôi thường mơ thấy bà, khi thì xoa lưng cho tôi ngủ, khi thì lúi húi dọn dẹp nhà cửa dùm tôi, vừa dọn vừa lẩm bẩm: “cái con, lấy chồng rồi mà vẫn lười như hủi, có ngày hấn đập cho…”. Khi thì tôi mơ thấy bà dúi cho vài trăm nghìn VND và những lần như thế tôi mua vé số đều trúng khi thì 500$, có khi trúng cả vài ngàn.
Hôm nay ở quê, O thứ hai, cha tôi cùng đại gia đình bốc mộ chuyển nhà cho bà tới một nghĩa trang rộng rãi, khang trang mà chị em tôi đã cùng đóng góp xây dựng nên. Ở đó bà sẽ được sum họp cùng ông nội, bác (anh của cha tôi) và tương lai mẹ tôi cũng sẽ về đó!
Tôi nhớ bà, nhớ mẹ đến bần thần và muốn có mặt ở nhà ngay lúc này.
Uh, cố lên! Chỉ còn 3 tuần nữa là con được về quê ăn Tết với cả nhà rồi.
Julia Thuy Nguyen
California, ngày 20-12-2019