Thư con gửi mẹ nhân giỗ đầu của mẹ. Con đã đọc trước bàn thờ mẹ, đã đọc trước mộ mẹ, rồi hóa thư, nơi suối vàng chắc mẹ đã nhận được thư của con…

Ngày 30 tháng 1 năm 2017
Mẹ yêu quý của con,
Đã gần một năm trôi qua con không được gặp mẹ, không được nói chuyện với mẹ, không được hàng ngày điện thoại cho mẹ để được nghe mẹ hỏi “con ăn cơm chưa?”, “hôm nay con có đi làm không?”, “Jean-Marcel mô rồi”, “quân nớ mô rồi”. Con nhớ mẹ!
Mồng 6 tết năm ngoái, mẹ nằm trên giường, mẹ mệt lắm nhưng tinh thần mẹ phấn chấn và lạc quan, mẹ gọi hết bạn bè đến chơi với mẹ, mẹ nói “tau nhớ nên tau gọi bây đến gặp tí”, mẹ nắm tay từng người một thật chặt! Thỉnh thoảng mẹ nhắm mắt ngủ, hơi thở đã bắt đầu ngắt quãng, phải có trợ giúp của ống thở. Mỗi lần mở mắt ra, nếu không nhìn thấy cha, các con và các cháu bên cạnh là mẹ hỏi từng đứa một “chị Thu đi mô rồi”, “Thanh đang làm chi đó”, … Thành Vinh, mồng 6 Tết trời nắng đẹp, mẹ cười nói lảng rảng, con cho mẹ xem video clip con khiêu vũ, mẹ xem hết, mẹ kể cho mọi người nghe “con ni hồi nhỏ hấn lì lắm, bị tui đập cho suốt, nấu cơm, rán chả cuốn, rán thịt mà bị cháy là tui đập liền”, rồi mẹ cười hiền, mẹ cho con cảm nhận mẹ đang tự hào về con. Mẹ nói “Tết trời đẹp, nằng ráo, về nhà vẫn còn có mẹ, sướng!” – Đó là lời trăn trối đáng giá ngàn vàng mẹ gửi lại cho chúng con! Kỷ niệm đẹp nhất trong ngày hôm đấy là khi cả nhà quây quần bên mẹ, con không nhớ câu chuyện bắt đầu thế nào nữa nhưng mấy đứa tụi con hỏi mẹ rằng tiền mừng tuổi của mọi người mừng mẹ, mẹ để đâu rồi. Mẹ cười vui lắm, mẹ hóm hỉnh nhìn hết các con và các cháu nhưng không nói gì. Em Thanh, con trai Cưng của mẹ, lục lọi tìm tòi hết tất cả các nơi cất giấu bí mật của mẹ, vẫn không thấy. Mẹ cứ để yên thế, nhìn em Thanh và các con trìu mến, cười hiền. Mấy chị em con cười đùa với mẹ “cất kín hầy”. Cuối cùng, em Thanh tìm được một bọc tiền trong cái địu lưng của mẹ, để ở một nơi mà bất kì ai cũng có thể tìm thấy, được gói cẩn thận bằng nhiều lớp khăn – những đồng tiền cuối cùng của cuộc đời mẹ. Tối mồng 6 Tết, mẹ muốn ăn tối chung với mọi người. Cha và em Thanh đỡ mẹ ngồi dậy, giúp mẹ ngồi vào cái ghế sofa, rồi đẩy mẹ ra bàn ăn … bữa ăn tối cuối cùng của mẹ với cha, các con và các cháu.
Mẹ ơi, con nhớ mẹ! Trước Tết, con bay ra Hà Nội, em Thủy bay từ Los Angeles về Hà Nội, rồi hai chị em bay về Vinh. Mẹ đang nằm viện nhưng chỉ chờ cho thuốc được truyền xong là mẹ xin bác sĩ xuất viện ngay, mẹ đi nhuộm tóc bạc, làm móng tay móng chân cho đẹp để đón hai cô con gái ở xa về. Con ở nhà có 2 ngày rồi con lại đi, 2 ngày đó, sáng mẹ vẫn vào bệnh viện truyền thuốc, chiều mẹ về nhà. Buổi sáng con rời Vinh vào lại Sài Gòn để bay đi Pháp, mẹ vẫn phải vào bệnh viện để truyền thuốc, con vào viện tạm biệt mẹ rồi lại đi. Con lại đi, cứ đi hoài, cứ rời xa mẹ, tính ra có được bao nhiêu ngày tháng con bên mẹ của con đâu. Lần này cũng vậy, con rời mẹ đi trượt tuyết … để rồi tối mồng 2 Tết con vội vàng lên tàu rời vùng núi Val D’Isère, đi thêm 3 chặng bay nữa để về với mẹ, các em nói với con rằng “mẹ đang chờ chị Thu về”. Con không thể nào quên được hình ảnh mẹ ngồi đó, trong phòng bệnh, trên chiếc ghế nhựa màu đỏ, em con giữ cho mẹ, lưng mẹ nối với một chai nhựa để trên sàn nhà, chứa đầy máu đen được hút ra từ phổi mẹ bằng một cái ống nối dài, mẹ kiên cường chiến đấu với bệnh tật cho đến khi mẹ không còn thở nữa. Con nhìn mẹ, nắm chặt tay mẹ, như thường lệ không thể nào ôm chặt lấy mẹ được như lòng con vẫn muốn để cho thỏa tình yêu thương con giành cho mẹ, để cho mẹ có được một cảm nhận là con yêu mẹ biết nhường nào. Cái ống nối dài kia được anh điều dưỡng rút ra, mẹ vẫn ngồi đấy, mẹ hỏi thăm Jean-Marcel, Léo và Enzo, rồi mẹ nói chuyện điện thoại với cả 3 người, mẹ cứ nói tiếng Việt, Jean-Marcel, Léo và Enzo cứ nói tiếng Pháp, dứt điện thoại mẹ kể “quân nớ nói muốn gặp bà ngoại”; con hỏi mẹ “mẹ hiểu tiếng Pháp à”, mẹ cười nghiêm túc “hiểu chút chút” J Em Thanh đỡ mẹ nằm xuống giường, nói với mẹ “mẹ đừng lo nha, cái Huyền nấu nướng đầy đủ rồi”, rồi em quay sang giải thích cho con hiểu “từ chiều đến giờ mẹ lo chị về không có gì cho chị ăn”. Mỗi lần con về nhà là một lần mẹ nấu toàn những món con thích ăn, thịt gà luộc, thịt luộc chấm nước mắm, chả cuốn, rau sống chấm nước mắm tỏi ớt, thịt bê bóp chanh với lá răm, thịt lợn ướp rồi chiên lên (mẹ gọi là thịt lợn quay); ngày Tết mẹ sẽ nấu thịt lợn và bò kho tàu, cắt từng miếng lớn, ướp thơm phức, hầm thật lâu cho đến khi cạn nước, những miếng thịt thật mềm và săn lại, để vào tủ lạnh, khi ăn mới cắt ra thành lát mỏng, cho vào miệng là tan biến ngon đến tận xương tủy. Ngồi ăn, mẹ gắp cho con những miếng con thích ăn, gắp đầy bát cho con. Em Thủy thỉnh thoảng ghanh tị “mẹ thương chị Thu hơn Thủy, mỗi lần chị Thu về mẹ nấu đủ thứ”.

Những giây phút cuối cùng của mẹ
Con nhớ mẹ, không giây phút nào là con không nhớ mẹ; đôi lúc nghĩ non nghĩ già con còn ngớ ngẩn tự nhủ bản thân rằng con không được lãng quên việc nhớ mẹ. Con nhớ kỷ niệm buồn và vui của con với mẹ, con không nhớ hết, con tự trách mình sao con lại không thể nhớ hết được. Hình ảnh mẹ qua từng gia đoạn trong cuộc đời con. Những năm tụi con còn nhỏ, cùng với cha, nhiều lần mẹ đạp xe đạp chở 2 trong 4 đứa con (cha đèo 2 đứa còn lại), đạp hết 60 cây số về quê thăm ông ngoại, các cậu và các dì; đến bến đò, mấy cha con mẹ con đi bộ thêm nhiều cây số nữa mới về tới nhà; mùa hè nắng ráo chỉ hơi mệt thôi, mùa Tết mưa phùn đất sét nhão nhoẹt trơn té ngã liên miên. Từ Vinh đi Thanh Chương, xe đạp của cha và mẹ chở nào nước mắm, mì chính, đường, … nhu yếu phẩm của thành phố về biếu ông và mọi người. Ra về cha mẹ lại gồng gánh nào chè xanh, lạc, gà, gạo nếp … “thồ” hết quà quê và 4 đứa con trên 2 chiếc xe đạp ì à ì ạch cho tới Vinh… Hình ảnh mỗi lần đi làm về, dù trưa hay chiều, dựng chiếc xe đạp vào vách, bỏ túi xách vào phòng là mẹ xắn tay áo múc nước dưới giếng lên đổ đầy vào bồn lọc nước, rồi mẹ chuẩn bị bữa trưa và bữa tối cho cả nhà… Hồi bao cấp, mẹ buôn bán tem phiếu, con hì hục dán tem và phiếu cho mẹ, đêm nào cũng ngồi đếm cơ man nào là tiền cho mẹ. Nhà người ta phải xếp hàng mua gạo, mua thịt, mua rau, con gái của mẹ chỉ cần làm theo lời mẹ dặn, ra các cửa hàng mậu dịch gặp các cô chú theo hướng dẫn của mẹ là có đủ các loại thực phẩm và nhu yếu phẩm cần mua trong tích tắc, không phải xếp hàng, không phải chở đợi. Thấy “ngon ăn” con năn nỉ cho con đi “buôn” với mẹ. Mẹ đồng ý, con và em Thủy mua rau muống mậu dịch, về nhà nhặt bó lại cho đẹp, gồng gánh ra chợ Quang Trung bán. Mới đầu ai trả bao nhiêu cũng không bán, tới chiều chỉ bán lấy lại vốn thôi cũng không có ai mua J Bài học kinh doanh đầu tiên mẹ dạy cho con. Nhà mình không bao giờ rơi vào cảnh thiếu thốn, ngược lại lúc nào cũng tiên phong trong việc mua sắm và xây dựng cuộc sống ấm no, tiện nghi và hiện đại hơn. Vì mẹ tháo vát, mẹ làm kinh doanh “thị trường” nên vào năm 1985 mẹ bị bắt bị tội buôn bán, tích trữ hàng hóa được cho là trái phép. Đi học về con thấy cơ man nào là công an đầy từ ngoài cổng vào tới trong nhà, khám xét hết khắp mọi nhà, đào hết cả gạch nền nhà lên, trịch thu hết mọi đồ đạc trong nhà, cả mấy tấm vải mẹ để dành may đồ cho chị em con, hình như chỉ có thế thôi. Con 15 tuổi, lại nhỏ con, nên công an không để ý, tạo điều kiện cho mẹ dặn dò con phải liên lạc với ai, nói với ai điều gì, tìm mẹ ở đâu. Và con tìm ra nơi công an giam giữ mẹ (hồi đấy họ giam và dấu mẹ trong nhà dân), gặp được hết các cô các chú … để mấy tháng sau mẹ được ra khỏi trại giam. Bài học đường đời đầu tiên mẹ dạy cho con! Hình ảnh mẹ ra Hà Nội thăm con, 2 mẹ con đạp xe đạp từ nhà Cậu ở Trương Định lên phố Hàng Ngang, Hàng Đào tìm mua đủ thứ hàng hóa, nào quần áo, khăn nhung, mũ cối, … để mẹ gửi về Vinh buôn lại, lần này con khá hơn nhiều, đã giúp mẹ kiếm được không ít tiền lời. Nhớ lần đầu tiên sau khi con bắt đầu lập nghiệp ở Sài Gòn, con “trúng quả” toàn tiền đô la, nhiều lắm, con đổi đô la lấy vàng 24K mang về cho mẹ. Không biết bao nhiêu lần mẹ đi tàu, đi xe đò, đi máy bay vào Sài Gòn thăm con, nhất là thời kỳ cả bốn chị em con đều sống ở Sài Gòn. Kỷ niệm buồn, vui, hục hoặc, giận hờn, khó khăn … có lẽ thời gian con sống với Kha là thời kỳ con tệ nhất, con thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm và chăm sóc cho cha và mẹ. Cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến là con không thể không nhớ đến hình ảnh cha và mẹ bán dưa hấu ở Chung Cư 675 Nguyễn Kiệm nơi cả nhà mình ở thời đấy. Bao nhiêu lần cũng vậy, cha mẹ vào với con và các em, cứ cơm không lành canh không ngọt là cha mẹ lại về Vinh, một thời gian nhớ các con chịu không nổi cha mẹ lại vào. Con còn không đủ quan tâm để nhớ được hồi đấy cha, mẹ đi bằng phương tiện gì, có vất vả hay không. Thời gian không thể quay trở lại để con được đền bù, yêu thương quan tâm chăm sóc cha mẹ nhiều hơn trong nhiều năm đó. Con nuối tiếc!
Con nhớ mẹ! Sau lần đầu tiên con giới thiệu Jean-Marcel với mẹ, mẹ nói với con “hấn là người tốt đó con à, con đừng có bắt nạt hấn”. Mẹ chứng kiến sóng gió dữ dội giữa con và Jean-Marcel, những cuộc xung đột triền miên mà hai đứa chỉ thiếu giết nhau thì mới giải quyết được xung đột. Mẹ ở đó, mẹ chứng kiến, mẹ kiên nhẫn khuyên bảo và chờ đợi cho tới ngày 2 đứa thực sự hạnh phúc. Mẹ không ghét bỏ Jean-Marcel, ngược lại mẹ rất thương cái người mà con gọi là ông Tây, xem Léo và Enzo như cháu ruột của mẹ. Mẹ chăm sóc tụi con và mẹ đón nhận sự chăm sóc mà tụi con giành cho mẹ. Mẹ đồng ý theo con đi điều trị bệnh bất cứ nơi nào con và Jean-Marcel muốn đưa mẹ đi. Hình ảnh mẹ trong con mỗi lúc mọi nơi, cả trong những chuyến con đi Singapore, khi con lang thang ở Sân bay Changi, kỷ niệm về mẹ rõ nét mọi nơi mọi chốn mà con và mẹ đã cùng với nhau. Mỗi lần mẹ cảm thấy không được khỏe, mẹ nói với em con “mẹ muốn vào chị Thu”. Mỗi lần mẹ vào mẹ mang theo giò bò, mẹ mua thêm mấy con gà Vinh tươi ngon vào để “nấu cho Jean-Marcel”. Trên giường bệnh, trước khi mẹ đi xa, mẹ nói “giờ mẹ không vào Sài Gòn chữa bệnh nữa đâu, nếu mẹ khỏe thì mẹ sẽ vào chơi”, “các con bận”, “cái Linh nấu ăn không hợp khẩu vị mẹ”. Mẹ ơi, con bận thì có bận thật, nhưng không phải lúc nào con cũng bận công việc, thỉnh thoảng con đã giành thời gian cho riêng con để mẹ ở nhà một mình đó mà. Trước khi mẹ ra đi, mẹ nói với con “đúng là may thật con ạ, con vào làm ở FV, công việc mười mấy năm nay thuận lợi. Con gặp được Jean-Marcel, nó thương con thật lòng”. Con nhớ mẹ!

Một vài khoảnh khắc với mẹ
Không bao giờ con còn được chở mẹ trên xe dẫn mẹ đi shopping, dẫn mẹ đi Spa, mua tặng mẹ những món quà nho nhỏ; không bao giờ con còn được khoác tay mẹ mỗi lần đi đâu với mẹ, không bao giờ con còn được khoe với mẹ những bài báo viết về con, những tấm hình con chụp mỗi lần đi chơi xa, cho mẹ xem video clip con khiêu vũ, được nghe mẹ kể chuyện hay “nói xấu” người này người kia. Mấy chị em thỉnh thoảng còn “hội đồng” “nói xấu” mẹ “mẹ ta thế này, mẹ ta thế kia”. Còn nhớ tối mồng 6 Tết năm ngoái, mẹ nói “Tối nay Thủy ngủ với mẹ, chị Thu không chịu được mùi dầu của mẹ”. Còn thèm được ôm mẹ một cái mẹ ơi! Hồi mẹ còn sống, mọi người đều khuyên con, rằng hãy cứ mạnh dạn ôm mẹ đi dù là một cái thôi để mai mốt có ân hận, có muốn cũng không bao giờ còn có thể …
Cuộc đời sẽ có lúc phải chia tay mãi mãi, nhưng suốt một năm nay con không tin và không chấp nhận sự thật rằng con không bao giờ còn được gặp mẹ nữa. Mẹ ở nơi chín suối bình yên mẹ nhé, cho dù con không thích mùi dầu mẹ xức, cho dù con không ôm mẹ thật chặt, cho dù rất nhiều lần con hỗn với mẹ, cho dù nhiều lần con làm mẹ buồn nhưng mẹ ơi con thương mẹ, mẹ mãi mãi ở trong tim con. Con cảm ơn mẹ đã sinh ra con, đã cho con cuộc sống này. Con nhớ mẹ!
Con gái đầu lòng của mẹ: Nguyễn Thị Lệ Thu
Tái bút: Mẹ ơi, con quên báo tin vui này với mẹ. 29/4 Dương Lịch năm nay, Jean-Marcel và con tổ chức đám cưới. Mẹ đã rất mong ngày này! Con chia sẻ niềm vui này với mẹ, con đang hạnh phúc!