Bài 1: QUYỀN ĐỊNH GIÁ XÉT NGHIỆM SARS-Cov-2
Gần đây có một số tờ báo rỉ tai nhau một cách không chính thức để “đánh” Bệnh viện FV. Một tập đoàn báo chí gồm các tờ báo trực tuyến “Kinh Tế Đô Thị” (kinhtedothi.vn) và “Tiêu Dùng” (tieudung.vn) đã đăng tải hàng loạt bài có tiêu đề giật gân liên quan đến giá xét nghiệm Covid-19 đang được áp dụng tại Bệnh viện FV.
Thực sự, tôi không biết mục đích và động cơ đăng bài của các cơ quan báo chí này. Phải chăng họ muốn giúp các cơ quan viết luật điều chỉnh lại luật cho hợp lòng họ hay họ muốn “một hợp đồng truyền thông” như các tin nhắn qua lại mà tôi có được? Việc này có lẽ phải nhờ đến Bộ Thông Tin Truyền Thông trả lời cho chính xác.
Cách đặt vấn đề của các bài viết nhắm vào Bệnh viện FV
Trong bài “Loạn giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện FV đôn giá cao gấp 4,3 lần?” đăng trên tờ trực tuyến Kinh Tế Đô Thị ngày 15-10-2021, bút danh Tiểu Thúy, có đoạn viết “Trong vai khách hàng, PV liên hệ vào số điện thoại 02854113500 (trên trang web chính thức) của Bệnh viện FV thì được nhân viên trực tổng đài cho biết, Bệnh viện FV nhận làm dịch vụ xét nghiệm Covid-19 vào tất cả ngày trong tuần, liên tục từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều”. Theo đó qua trả lời của nhân viên FV, Tiểu Thúy ghi nhận lại giá xét nghiệm Covid-19 của Bệnh viện FV và thắc mắc “tại sao giá tại FV lại cao hơn gấp 3 lần so với những bệnh viện khác”.
Cuối bài viết, sau khi tham chiếu đến rất nhiều công văn của Bộ Y Tế và của Sở Y Tế Thành Phố Hồ Chí Minh, phóng viên Tiểu Thúy giật thêm tít “Móc túi người dân” và kết luận “Đến đây, có thể thấy, Bệnh viện FV, Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia, Bệnh viện quốc tế Minh Anh, Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn (xét nghiệm RT-PCR 934.000 đồng)… đều đang cố tình làm sai quy định mà Bộ Y tế đã ban hành và có hướng dẫn cụ thể”.
Có lẽ phóng viên Tiểu Thúy quên mất rằng, mọi công văn hay hướng dẫn của bất cứ một cơ quan nào cũng phải dựa vào luật, các nghị định và thông tư hướng dẫn của các cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Các doanh nghiệp, cụ thể là các cơ sở y tế công lập hay tư nhân cũng phải dựa vào luật pháp và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật mà thi hành cho đúng.
Hành lang pháp lý về vấn đề định giá ở các cơ sở y tế tư nhân
Luật Giá (ban hành năm 2012, sửa đổi vào năm 2014 và 2020), Mục 1 của Điều 11 quy định rõ “Quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh” là “Tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”.
Câu hỏi cần phải đặt ra ở đây là “danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá” theo Luật Giá là gì? Liệu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế ngoài công lập như FV có bị ràng buộc bởi điều luật này không?
Chúng ta hãy tham chiếu đến các điều luật sau đây:
Khoản 3 (Luật Giá) “Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá”, Mục c) có quy định Nhà nước “Định khung giá và mức giá cụ thể đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của NHÀ NƯỚC”
Nghị Định 177/2013 (sau khi được sửa đổi bởi Nghị Định 149/2016), Điều 8 “Thẩm quyền và trách nhiệm định giá”
- Mục đ của Khoản 2: Bộ trưởng Bộ Y tế quy định “Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế”
- Khoản 3: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật đối với: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của NHÀ NƯỚC (trừ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế) và gửi quyết định giá về Bộ Y tế, Bộ Tài chính để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; dịch vụ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập (học phí).
Cụ thể hơn cho dịch vụ y tế, Luật Khám Bệnh, Chữa Bệnh năm 2009 có hẳn Điều 88 quy định về “Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”. Theo Điều 88 thì Chính Phủ, Bột Tài Chính, Bộ Y Tế và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá, khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở y tế “của Nhà Nước”.
Riêng Điều 88.5 thì quy định rất rõ rằng “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh TƯ NHÂN được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.”
Như vậy, rõ ràng Bệnh viện FV là một cơ sở y tế tư nhân được quyền định giá cho các dịch vụ của bệnh viện dựa vào nhu cầu và khả năng sử dụng dịch vụ của người dân, đồng thời căn cứ vào các chi phí đầu vào để cấu hình dịch vụ.
Thông tư 16/2021, ngày 08-11-2021 về “Quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2”
Khi tôi đang viết bài này, đang định viện dẫn một số những văn bản và các sự kiện liên quan gần đây để làm rõ thì tôi đọc được Thông tư 16/2021/TT-BYT, ngày 08-11-2021 về “Quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2”.
Thông tư được soạn dựa trên các văn bản pháp luật tôi vừa nêu ở trên cùng với một vài luật liên quan khác, thông tư có hướng dẫn rất cụ thể quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, nhưng KHÔNG áp dụng đối với các cơ sở y tế ngoài công lập như Bệnh viện FV.
Kết luận: Bệnh viện FV được và có quyền định mức giá xét nghiệm SARS-Cov-2 của bệnh viện, đồng thời phải công khai và niêm yết giá theo quy định. Thế nào là “niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh” mà cơ sở y tế tư nhân phải thực hiện theo Điều 88.5 của Luật Khám Bệnh, Chữa Bệnh? Xin mọi người đón đọc Bài 2 của Lệ Thu
CÂU HỎI ĐẶT RA: Bệnh viện FV nên phản ứng như thế nào đối với các phóng viên và các tờ báo đã viết bài bôi nhọ làm mất uy tín của Bệnh viện FV do vô tình hoặc cố ý?
Ý kiến cá nhân của Lệ Thu: cứ lập vi bằng trước!