TUỔI THƠ

Trường Phan là tên gọt tắt của Trường năng khiếu Phan Bội Châu (nay là Trường PTTH Phan Bội Châu, trương chuyên của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hồi đấy. Nhỏ học chuyên toán, trong mắt thầy cô giáo và các bạn học giỏi, hình ảnh của nhỏ là con bé con nhà giàu, tóc xồm xõa ngang vai, chỉ biết … văn nghệ và … yêu chứ không lo học hành …

Nhỏ không “nổi tiếng” là học giỏi, nhưng có quan trọng gì, có ai học giỏi bằng dân trường Phan đâu, vào được đến đó phải trải qua biết bao nhiêu kỳ thi học sinh giỏi, cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia và cuối cùng là kỳ thi tuyển chọn vào trường, phần lớn là mọt sách. Cha mẹ và họ hàng của nhỏ tự hào về nhỏ lắm. Ở trường, nhỏ nổi tiếng vì nhỏ có chiếc xe đạp xịn nhất trường và ai cũng có thể mượn xe của nhỏ, một tuần ít nhất một lần nhỏ bị mẹ hoặc la mắng, hoặc thậm chí là đánh vì nhỏ đi học về trễ, nhiều hôm trễ lắm, trời tối mịt, cả nhà đã ăn tối xong rồi nhỏ mới về tới nhà. Cha mẹ vừa quát tháo vừa tra khảo tìm hiểu xem nhỏ làm gì, có yêu đương gì không, nhỏ kiên quyết không khai vì nhỏ sợ cha mẹ sẽ trịch thu mất chiếc xe đạp nổi tiếng của nhỏ. Nhỏ có thể đi bộ tới trường nhưng còn các bạn, các anh các chị nội trú ở trường muốn đi đâu thì mượn xe của ai mà đi. Năm đầu tiên nhỏ vào học trường Năng khiếu Tỉnh là lớp cuối cấp 2, lớp học chia làm 2 khu vực, phía trước là bảng đen và bàn ghế để học sinh ngồi học, phía sau là nhiều tấm phản ghép lại với nhau làm nhà và giường cho các bạn nội trú trong lớp “lều chõng đi thi nghè”. Lớp học không có lấy một cánh cửa, mùa đông gió thồng lộng từ cửa sổ này qua cửa sổ khác, nhỏ ngồi học mà lạnh thấu xương, nhỏ tự hỏi sao các bạn có thể ngủ được trong cái lạnh cắt gia cắt thịt như vậy. Mỗi lần tới lượt nhỏ trực trường nhỏ phải vào nhà bếp nấu ăn cho các bạn nội trú, gạo đầy lúa, nhỏ chịu không được phải tìm bằng được cái sàng để nhóm hết hạt lúa bỏ ra ngoài, tuy là dân thành thị nhưng mẹ dạy cho nhỏ biết làm hết mọi việc, 10 tuổi nhỏ đã biết nấu ăn cho cả nhà, biết đi chợ (hồi đó gọi mậu dịch), thậm chí còn biết đi “buôn”; nồi canh thì to ơi là to nhưng nước lỏng bỏng, tìm mãi không có lấy một cọng rau chứ đừng nói đến tôm, gà, cá thịt. Nhỏ ngây thơ và trong sáng, nhỏ không hiểu hết các bạn đang trải qua cuộc sống như thế nào so với cuộc sống thành thị đầy đủ vật chất của nhỏ nhưng nhỏ thấy li kỳ lắm, và nhỏ cảm nhận rằng các bạn vô cùng thiếu thốn, và nhỏ thương các bạn, thương hết tất cả mọi người. Nhỏ không biết ghét và thù giận ai bao giờ, lúc nào cũng cười, gặp ai cũng cười dù là quen hay không quen, có gì là chia cho các bạn, mời các bạn về nhà ở, bạn nhờ bất cứ gì là sẵn sàng.

Le Thu 1

Nhỏ không có lấy một tấm hình nào hồi nhỏ làm kỷ niệm, đành lấy tấm hình tóc xù của mấy chục năm sau để minh họa vậy

Nhỏ nổi tiếng ở trường vì nhỏ là cây văn nghệ tham gia tất cả các hoạt động phong trào của trường. Cha mẹ nhỏ bảo “xướng ca vô loài”, cấm không cho nhỏ đi nhảy múa và ca hát, nhỏ rất phẫn uất, thấy cha mẹ mình quá vô lý, nhỏ đâu sao nhãng học hành đâu. Sau vài lần trốn nhà không thành nhỏ đành phải nhờ thầy giáo phụ trách đoàn trường tới nhà xin phép để nhỏ được tự do văn nghệ văn gừng. Các anh, các chị và các bạn trong trường không mấy cảm tình và có nhiều kỷ niệm không đẹp với thầy bí thư đoàn trường nhưng với nhỏ thầy là cứu cánh. Thầy ủng hộ nhỏ, không nghiêm như các thầy dạy toán. Lần họp phụ huynh nào cũng vậy, vì các thầy dạy toán (nhỏ học chuyên toán mà) mà nhỏ bị cha mẹ xử phạt và đưa vào khuôn phép. Nơ trên áo của nhỏ bị yêu cầu cắt đi, nhiều cuốn lưu bút, sổ chép các bài thơ tình nổi tiếng bị trịch thu, ống quần phải cắt cho nhỏ bớt, … nhỏ bị cấm không được đọc chuyện và không được nghe nhạc (thời đó nghe bằng radio). Nhỏ buồn nhưng nhỏ chẳng sợ, sợ gì, các thầy cũng thích đọc thơ tình, thích văn nghệ sao lại cấm nhỏ. Có lần trong giờ học, một lần thầy giáo nhìn thấy cuốn sổ chép lời các bài hát trên bàn chỗ nhỏ ngồi, thầy trịch thu và bắt phạt nhỏ đứng vòng tay suốt thời gian các bạn làm bài, còn thầy thì lấy sổ bài hát của nhỏ ra ngồi trước cửa lớp và lẩm nhẩm hát. Cứ thế nhỏ tham gia múa nón, múa vót chông, múa chim bồ câu, hát đồng ca, tốp ca, đơn ca cho tất cả các hội hè của trường, tham gia thi văn nghệ thành phố, văn nghệ tỉnh.

Tinh thần văn nghệ và cái xe đạp làm cho nhỏ cảm thấy cuộc sống của mình thú vị, ý nghĩa, sắc màu và quen biết nhiều. Nhờ thế nhỏ bắt đầu cảm nhận một cách ngây ngô, dại khờ là mình đang được các anh lớp trên để ý J. Nhiều hôm, cái lưng của nhỏ đỏ lừ và đau ơi là đau, nhất là những hôm cả trường tập trung trong hội trường lớn, nhỏ ngồi phía trước liên tục bị các chàng trai lớp trên lấy dây thun bắn đạn xi lau (phi lao) vào lưng nhỏ, trong lớp nhỏ chỉ có nhỏ là thường xuyên bị bắn. Đau lắm, nhưng nhỏ thấy vui và cảm giác bay trên mây trên gió vì nhỏ được các anh lớp trên để ý, nhỏ đâu làm gì để các anh ấy ghét đâu, có thương có để ý thì mới làm thế. Nhỏ yêu cái cách làm quen và tiếp cận của các anh!

Thế rồi, nhỏ quyết định quan tâm đến các anh.

Câu chuyện thứ nhất: Chị ấy học lớp văn, trên nhỏ một khóa, hay trò chuyện với nhỏ, hay chép cho nhỏ những bài thơ tình tuyệt hay vào sổ thơ của nhỏ. Chị mách cho nhỏ biết anh ấy, học lớp toán trên nhỏ một khóa, thích nhỏ lắm. Nhỏ bắt đầu ngắm và tìm hiểu về anh ấy từ xa, vẻ phong trần và bụi bặm của anh ấy thu hút nhỏ. Chưa một lần trò chuyện với anh thế mà nhỏ tự nhủ là mình yêu anh, rồi tô vẽ cho tình yêu ấy, rồi bắt đầu thấy nhớ anh. Tết! Nhỏ đi mua một bưu thiếp thật đẹp, nhỏ nắn nón viết “Mùa xuân đầu tiên em bên anh”, rồi nhờ chị ấy chuyển cho anh… Chị có cô bạn thân, học chung lớp với chị, chị và chị bạn ấy là cầu nối giữa nhỏ và anh, mọi thông tin từ anh nhỏ đều được nghe từ chị và bạn của chị, nhỏ tin, nhỏ hy vọng, nhỏ chờ đợi, … đến một ngày bạn thân của nhỏ báo cho nhỏ biết anh và bạn thân của chị ấy yêu nhau… Cho đến tận bây giờ, gần 30 năm sau, nhỏ cũng chưa một lần được trò chuyện cùng với anh …

Câu chuyện thứ hai: Anh học lớp văn, trên nhỏ một khóa, nhỏ biết anh vì anh có đôi lần mượn xe đạp của nhỏ, nhưng chưa bao giờ anh và nhỏ trò chuyện với nhau. Chị, học chung lớp với anh (không phải là chị ấy trong câu chuyện thứ nhất), cũng có đôi lần mượn xe của nhỏ nên hai chị em biết và trò chuyện với nhau. Chị là người đưa thư cho nhỏ và anh, chữ anh đẹp và anh viết thư rất hay, nhận thư anh nhỏ vui, nhỏ cười sung sướng và … nhỏ chép lại, rồi nhỏ viết thư trả lời. Mùa hè. Nhỏ chỉ mong cho sao những ngọn gió lào, cái nắng gay gắt và tiếng ve sầu râm ran mau chóng kết thúc để nhỏ được gặp anh. Năm học mới, nhỏ náo nức đến trường để được nhìn thấy anh, nhỏ hồi hộp chờ đón để lại được ngắm nhìn nét chữ của anh, đọc những lời thư có cánh từ anh, … để rồi phát hiện ra anh và chị yêu nhau…

Câu chuyện thứ ba: Anh học lớp toán, trên nhỏ một khóa, rất đặc biệt, nói giọng bắc chứ không nói giọng nghệ, mặc quần rộng thùng thình nhưng bó ở dưới cổ chân, người Thành Vinh, nghe đâu có học ở ngoài Hà Nội một vài năm gì đấy, giờ quay về lại trường Phan. Là các bạn nữ trong lớp nhỏ nói vậy. Nhỏ bắt đầu biết đến anh khi anh đạp xe theo nhỏ về nhà sau vài lần nhỏ biểu diễn văn nghệ ở trường. Nàng, là bạn nối khố của nhỏ từ thời học lớp 2, nhà 2 đứa gần nhau, nhỏ và nàng thân nhau từ bé, 2 đứa thay nhau qua nhà nhau ngủ và học bài, nhỏ vào trường Phan trước nàng một năm, 2 đứa vui vì lại được học chung với nhau. Nàng cứ thủ thỉ với nhỏ là anh ấy thích nhỏ, nàng khen anh ấy đẹp trai, học giỏi, có cá tính, con nhà gia giáo, nàng khuyên nhỏ nên yêu anh ấy, rồi nàng rủ nhỏ đến nhà anh ấy chơi. Nhỏ nghe theo. 2 đứa đạp xe chở nhau xuống nhà anh chơi, cứ thế nhiều lần. Đến nhà anh nhỏ trò chuyện hết với tất cả mọi người trong nhà anh, ba mẹ anh, anh trai, chị gái và em trai anh, nhưng nhỏ không nhớ là nhỏ có trò chuyện gì với anh không… Đến một ngày, một cô bạn gái cùng lớp thông báo cho nhỏ biết là anh và nàng yêu nhau… Rồi ra trường, … , nhỏ và anh bặt vô ấm tín, … cho đến một ngày anh và nhỏ tình cờ gặp nhau trên đất Thành Vinh, quê hương của nhỏ và anh … thời gian lại qua đi … anh và nhỏ lại tình cờ gặp nhau ở một sân bay … từ đó anh và nhỏ mới bắt đầu “tìm hiểu” nhau … anh giờ như một người anh trai của nhỏ, người mà nhỏ có thể dựa vào vai để tâm sự chuyện tình yêu của nhỏ, chuyện buồn, chuyện vui…

TP Hồ Chí Minh 2015

Lệ Thu GUILLON

Mỗi người có một cách định nghĩa về cuộc sống đẹp của chính mình. Lệ Thu định nghĩa bằng từng khoảnh khắc cụ thể chị sống với chính mình và mọi thứ xung quanh, gói gọn trong 3 từ “live – love – laugh”, với ý nghĩa sống hết đam mê, yêu hết mình và luôn mỉm cười với mọi thứ. Người phụ nữ này khiến người ta đan xen giữa lòng ngưỡng mộ và sự ghen tị. Bởi chị đối đãi với cuộc sống bằng sự say mê, hân hoan. Bàn tay biết bắt giữ từng khoảnh khắc hạnh phúc và cả niềm kiêu hãnh.

2 Comments

  1. Chắc kiểu của chị Thu là hoạt bát sôi nổi nên người ta để ý, chứ nội tâm không đáng để người ta chọn hay sao í.

Leave a Reply

Latest from Phong Cách Sống

Discover more from Lệ Thu Guillon

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading