CHUYỆN THỊ PHI

Sưu tầm từ Facebook Nguyễn Tuấn

Tất cả chúng ta ai cũng từng, đang hay sẽ là nạn nhân của thị phi. Mấy ngày gần đây, hai chữ ‘thị phi’ được đề cập nhiều trên không gian mạng vì con số ‘331’, nên chúng ta thử tìm hiểu thị phi xem sao.

‘Thị phi’ có vẻ là một chữ đặc thù trong tiếng Việt và Hán, vì tôi không tìm thấy trong tiếng Anh có một chữ nào tương đương. Theo nghĩa chữ Hán, ‘thị’ là phải, còn ‘phi’ là quấy. Thành ra, chuyện thị phi có thể hiểu nôm na là ‘chuyện phải quấy’ hay ‘ chuyện đúng sai’. Tuy nhiên, trong thực tế, chuyện thị phi còn có nghĩa là những lời đồn đại thường là vô căn cứ và có thể gây tổn hại cho nạn nhân.

Nghiên cứu xã hội học chỉ ra rằng chuyện thị phi có thể phân tách thành 3 loại: soi mói, nói xấu, và mỉa mai.

SOI MÓI

Trong tiếng Anh người ta gọi loại thị phi này là ‘bad egg’ hay ‘trứng thúi. Người ‘trứng thúi’ rất thích soi mói việc làm và phát ngôn của người khác, rồi phóng đại lên. Họ có thể bỏ thời giờ theo dõi, quan sát việc làm của người khác, chờ đến một thời điểm người đó sơ suất, là họ ra tay ngay. Họ thích phóng đại những sai sót nhỏ bằng cách ‘nâng lập trường’ để triệt hạ nạn nhân. Mục tiêu chánh của loại này là tự nâng họ lên bằng cách triệt hạ người khác.

NÓI XẤU

Loại này thích nói xấu sau lưng nạn nhân để làm cho nạn nhân suy sụp tinh thần. Thủ đoạn của họ thường là tụ tập nhau, kết bè kết đảng với nhau qua những hình thức như ‘diễn đàn’ / forum (tiếng Anh gọi là ‘Mob’). Họ thường là những người ganh tị, và họ tìm những người họ không ưa ra để cho các mob nhảy vào tấn công, ném đá. Tiếng Anh còn có một thuật ngữ cho loại này: cyberbully. Đó là những kẻ dùng công nghệ như mạng xã hội, email để quấy nhiễu, đe doạ, làm nhục, hạ uy tín, hay nói chung là nói xấu nạn nhân.

MỈA MAI, CHÂM BIẾM

Loại này hay dùng những đặc điểm nhân trắc (ví dụ như cao thấp), thành phần xã hội (nghèo, giàu), hay quá khứ của người khác làm đề tài châm biếm. Trong cái nhìn của kẻ sản xuất chuyện thị phi, ai cũng đáng dè bỉu, và bất cứ hành vi nào của người ta — bất kể tốt ra sao — cũng không đáng một lời động viên, chứ đừng nói đến khen.

Tất cả 3 loại thị phi trên có thể tóm tắt trong 3 chữ: tham — sân — si. Tham lam. Sân hận. Ngu si. Phật giáo xem đây là Tam Độc. Thị phi, như vậy, phải xem là một ‘độc tố’.

Không ai có thể tránh thị phi, bởi vì nó là sản phẩm của xã hội. Đó là một cái giá chúng ta phải trả khi tương tác xã hội. Chuyện kể rằng một hôm vua Đường Thái Tông hỏi một quan cận thần Hứa Kính Tôn là tại sao ông bị nhiều tiếng thị phi, ông trả lời (trích đoạn):

“Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích. Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.”

Nếu là nạn nhân, câu hỏi là làm sao thoát khỏi thị phi? Câu trả lời là hãy là chính mình, mình không có bổn phận phải sống cuộc đời mà người ta kì vọng. Nguyên tắc đó dẫn đến hành vi: nếu mình đúng thì hãy kiên định con đường mình đi; nếu mình sai mình phải tự sửa chứ chẳng ai sửa cho mình. Đừng quá đề cao mình. Nhưng hãy xem thị phi, những lời ong tiếng ve như là nhiễu (noise) trong cuộc sống; đừng để tâm trí mình bị chi phối bởi nhiễu.

Lệ Thu GUILLON

Mỗi người có một cách định nghĩa về cuộc sống đẹp của chính mình. Lệ Thu định nghĩa bằng từng khoảnh khắc cụ thể chị sống với chính mình và mọi thứ xung quanh, gói gọn trong 3 từ “live – love – laugh”, với ý nghĩa sống hết đam mê, yêu hết mình và luôn mỉm cười với mọi thứ. Người phụ nữ này khiến người ta đan xen giữa lòng ngưỡng mộ và sự ghen tị. Bởi chị đối đãi với cuộc sống bằng sự say mê, hân hoan. Bàn tay biết bắt giữ từng khoảnh khắc hạnh phúc và cả niềm kiêu hãnh.

Leave a Reply

Latest from Phong Cách Sống

%d bloggers like this: