Cạnh tranh trong lĩnh vực Y tế

Có một thành viên trong Câu lạc bộ Quản lý Y Tế Tư Nhân viết rằng “Tôi thích sự cạnh tranh lành mạnh. Vì nó sẽ giúp chúng ta phát triển. FV, tôi không biết về chuyên môn như thế nào, nhưng chắc chắn họ hốt ko ít tiền của nhà giàu VN.
Cho dù chúng ta có chịu xem y tế như là dịch vụ hay không thì thiên hạ cũng hốt hết tiền của nhà giàu. Còn ta, còn lại gì cho ta. 30 năm ta nhìn lại mình nghèo vì 3 chữ “duy ý chí”.”

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – trưởng khoa Ngoại Thần Kinh đang chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu

Câu hỏi của thành viên nêu trên rất hay, nhưng cách đặt vấn đề … đứng về một khía cạnh nào đó vô cùng trịch thượng, hoặc vô tình và có thể đã cố tình xem thường người bệnh là khách hàng của các cơ sở y tế, trong đó có Bệnh viện FV.

Có ai trong số các thành viên trong câu lạc bộ này đã từng tham gia hay thực hiện một cuộc khảo sát khát vọng của bệnh nhân, đặc biệt đối với người dân Việt Nam? Có ai trong số họ đã “vi hành” để hiểu được mong muốn của người dân, kể cả dân thượng lưu và người không có điều kiện? Hay có bao giờ họ tự đặt câu hỏi với chính bản thân mình rằng khi mình ốm đau bệnh tật thậm chí rơi vào một trong những căn bệnh hiểm nghèo thì bản thân sẽ làm gì? Lệ Thu cam đoan rằng, 100% trong chúng ta sẽ đi tìm nơi có KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN có thể tìm ra bệnh và có thể điều trị khỏi bệnh.

Người đặt ra câu hỏi này cũng như nhiều thành viên khác trong câu lạc bộ này liệu có biết rằng trong số 75% bệnh nhân của FV là người Việt Nam, thì có đến một nửa trong số họ đến từ tầng lớp có thu nhập dưới mức trung bình. Nếu có ai đó cho rằng đối tượng đến với FV để được chăm sóc và điều trị là người nước ngoài và người giàu, như người đặt câu hỏi trên gọi là “nhà giàu Việt Nam” thì họ hoàn toàn sai lầm. Họ quên mất rằng người không khỏe, hay gia đình của họ, sẽ bằng mọi giá để được khỏi bệnh, được tiếp tục được sống, tiếp tục được ước mơ.

Ai đó đã một lần bị làm bệnh nhân, hay đã vào ra bệnh viện thì sẽ thấu hiểu được. Người nào đã chạy vạy hết từ bệnh viện này qua bệnh viện khác để tìm cách cứu người thân của mình thì sẽ hiểu được, mà thực ra ai trong chúng ta đã lại không trải qua một lần như thế. Lệ Thu ra vào bệnh viện khá nhiều lần, trải nghiệm nhiều, nếu không nói là hết thế giới bệnh viện. Năm 2002 là năm kinh hoàng nhất. Khoảng 2 tháng sau khi mổ nội soi vì có thai ngoài tử cung và buộc phải cắt bỏ một vòi trứng vì cái thai ngoài tử cung đã bị vỡ ra (Lệ Thu xin phép sẽ không chia sẻ chi tiết), cây thử thai hiện ra 2 vạch rõ rệt làm cho hai vợ chồng (hồi đó Lệ Thu còn sống với chồng cũ) vui mừng không xiết. Thế nhưng sau vài lần siêu âm, bác sĩ không tìm thấy tim thai dù chỉ số HCG qua thử máu vẫn tăng theo mỗi lần xét nghiệm. Tất cả mọi xét nghiệm và khám bệnh đều được các bác sĩ quen thân với ba chồng (là một tiến sĩ bác sĩ uy tín trong cộng đồng y khoa) thực hiện nhờ gửi gắm. Khoảng 6, 7 hay 8 tuần thai gì đó, theo tính toán của bác sĩ, phôi thai và tim thai vẫn không có, bác sĩ lại cho đi siêu âm. Sau khi đọc kết quả, bác sĩ nhìn Lệ Thu “chị hy vọng em không bị gì cả” và gửi Lệ Thu vào Khoa Ung bướu Bệnh viện TD. Tại đó, bác sĩ chẩn đoán bệnh lý tế bào nuôi (tiền ung thư) và cho Lệ Thu nhập viện, nằm chung với khoảng 12 bệnh nhân khác cùng một phòng 6 giường, trong phòng có một bàn làm việc giành cho bác sĩ và điều dưỡng. Cách cửa phòng khoảng vài bước chân là một nhà vệ sinh công cộng mà Lệ Thu phải tìm mọi lý do để không phải bước vào đó, mùi hôi thối, dơ bẩn … Phác đồ điều trị của Lệ Thu là vào hóa chất một ngày, nghỉ một ngày, cho đến hết 8 lần vào hóa chất thì sẽ vào phòng mổ để nạo, vì vậy Lệ Thu xin được về nhà vào những ngày không vào hóa chất. 8 ngày phải ngủ qua đêm trong bệnh viện là 8 ngày chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện… Các bệnh nhân nằm điều trị chung phòng hầu như không ai có cơ hội tiếp xúc với bác sĩ hay hỏi han thông tin … Lệ Thu bỗng trở thành một tư vấn viên cho 11 bệnh nhân cùng phòng, bệnh nhân các phòng bên cạnh và gia đình của họ nghe đồn cũng đi tìm Lệ Thu như tìm một cứu cánh. Họ hỏi han đủ mọi chuyện từ chuyện bệnh tật, hướng điều trị, thông tin về bác sĩ, tiền bướu xén … cho đến chuyện gia đình riêng tư của họ… đến mức các cô điều dưỡng còn trách móc họ sao không hỏi điều dưỡng hay bác sĩ mà hỏi chị/cô Lệ Thu … Quay trở lại với bệnh tật của Lệ Thu. Trong suốt 16 ngày vào hóa chất để chuẩn bị lên bàn nạo, máu chảy lúc rỉ rả, lúc ồ ạt từ lòng tử cung. Bỏ qua yêu cầu của Lệ Thu, khi thì năn nỉ, khi thì cầu xin, khi thì nịnh bợ, khi thì cầu khẩn, khi thì dọa nạt, không một bác sĩ nào xem xét, hay giải thích cho Lệ Thu biết đó là hiện tượng gì, có cần phải xử lý hay không, có nguy hiểm hay không. Hết ngày thứ 16 (8 ngày vào hóa chất + 8 ngày nghỉ xen lẫn nhau), Lệ Thu được đẩy vào phòng mổ … tỉnh dậy, chồng ôm chặt lấy Lệ Thu “bác sĩ bảo không có gì để nạo … giờ anh sẽ dẫn em đi siêu âm màu”. Kết quả siêu âm màu “thai ngoài tử cung”. Chưa bao giờ Lệ Thu có cảm giác sợ chết như lúc này, thế giới như hoàn toàn sụp đổ, nhìn mẹ chồng và chồng như trân trối trước khi vào phòng mổ. Vòi trứng thứ 2 phải cắt bỏ …

Cuối năm 2010, đầu năm 2011, mẹ của Lệ Thu được FV chẩn đoán ung thư gan giai đoạn đầu nhờ theo dõi viêm gan siêu vi C thường xuyên, sau khi hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành, mẹ được các bác sĩ quyết định cho điều trị bằng 2 phương pháp bơm hóa chất nút mạch (TACE) và đốt u bằng sóng cao tần (Radiofrequency). Thời điểm ấy, 2 phương pháp điều trị này chưa được áp dụng tại FV, mẹ được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, một trong những bệnh viện tiên phong ứng dụng 2 phương pháp điều trị này. Tuy được Ban giám đốc FV, trưởng khoa tiêu hóa gan mật FV sang tận nơi gửi gắm, Lệ Thu cũng không thể nỡ lòng nào … và đã quyết định đưa mẹ đi điều trị ở Bệnh viện trường Đại học Quốc Gia Singapore, nơi Lệ Thu tin tưởng rằng mẹ sẽ được chăm sóc và điều trị một cách tốt & an toàn nhất, trong một điều kiện thoải mái và tiện nghi nhất. Mẹ đã sống một cuộc sống chất lượng, khỏe khoắn, sinh hoạt bình thường: đi xe đạp, nấu ăn, chăm sóc gia đình được thêm 5 năm nữa trước khi mẹ đi xa…

Vậy thế nào là CÓ KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN? JCI định nghĩa hết thông qua 14 chương và hơn 1.200 tiêu chuẩn! Đấy chỉ mới là định nghĩa thôi, để đáp ứng được từng ấy chương và chừng ấy tiêu chuẩn, FV, với một bộ máy hơn 1000 con người, trong đó có khoảng 150 bác và gần 300 điều dưỡng, phải nghiêm ngặt tuân thủ mấy chục ngàn cái quy trình tỉ mỉ nhằm đảm bảo AN TOÀN cho bệnh nhân, để đảm bảo bệnh nhân được CHĂM SÓC chu đáo, bên cạnh KỸ THUẬT cao và đội ngũ BÁC SĨ giàu kinh nghiệm.

Đâu phải ngẫu nhiên mà mỗi năm có hơn 200 ngàn bệnh nhân tin tưởng và đến với FV để được điều trị, trong số đó 75% là người Việt Nam. Ông xã Lệ Thu, bác sĩ Jean-Marcel Guillon, một trong 10 sáng lập viên của FV, Tổng giám đốc FV thường chia sẻ khi được hỏi “Tuyệt đối nghiêm khắc và đòi hỏi khắt khe là chìa khoa thành công của chúng tôi. Tại FV, mọi việc phải được thực hiện theo tiêu chuẩn cao nhất. Không chỉ phải có trang thiết bị tốt và được vận hành ở điều kiện tốt nhất, quan trọng hơn là đội ngũ nhân viên phải được trang bị kiến thức và kỹ năng toàn diện: từ cách họ trang phục cho đến cách họ giao tiếp với bệnh nhân và gia đình. Đối với chúng tôi, chất lượng là vô cùng quan trọng, nó đồng nghĩa với tạo dựng niềm tin, chăm sóc tốt và tất nhiên là phải đi đôi với sự tiện nghi và thoải mái. Việt Nam trước đây, tại các cơ sở y tế, bác sĩ là trung tâm, bệnh nhân không có quyền gì cả. Ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi quyết định thay đổi hoàn toàn khái niệm và thói quen này của bác sĩ. Ở FV, bệnh nhân là trung tâm của bệnh viện, quyền của bệnh nhân (chẳng hạn như bệnh nhân phải được giải thích và cung cấp đầy đủ thông tin, được tham gia vào quyết định điều trị , vân vân…) là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi xem bệnh nhân là khách hàng, là đối tác. FV có phòng Quản trị Chất lượng để đảm bảo mọi quy trình đều được tuân thủ nghiêm ngặt”

Lệ Thu GUILLON

Mỗi người có một cách định nghĩa về cuộc sống đẹp của chính mình. Lệ Thu định nghĩa bằng từng khoảnh khắc cụ thể chị sống với chính mình và mọi thứ xung quanh, gói gọn trong 3 từ “live – love – laugh”, với ý nghĩa sống hết đam mê, yêu hết mình và luôn mỉm cười với mọi thứ. Người phụ nữ này khiến người ta đan xen giữa lòng ngưỡng mộ và sự ghen tị. Bởi chị đối đãi với cuộc sống bằng sự say mê, hân hoan. Bàn tay biết bắt giữ từng khoảnh khắc hạnh phúc và cả niềm kiêu hãnh.

Leave a Reply

Latest from FV

%d bloggers like this: