NIỀM TIN & Ý THỨC COVID-19

Hỗn loạn thông tin trên truyền thông

Có lẽ tôi sẽ bắt đầu bằng câu chuyện sáng Thứ Bảy ngày 21-8-2021 đã có hàng vạn, vạn người đổ xô đi siêu thị mua số lượng lớn thực phẩm dẫn đến cảnh chen chúc nhau, dành nhau, thậm chí ẩu đả nhau thành một mớ hỗn loạn và trở thành nguy cơ lây nhiễm trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp. Rất nhiều các status và ý kiến trên mạng xã hội cho rằng hiện tượng này xảy ra do người dân không hiểu biết và không có ý thức, đa số còn sâu cay hơn thì cho rằng họ là tầng lớp thấp trong xã hội. Lệ Thu xin miễn đưa ra ý kiến của riêng mình, thay vào đó Lệ Thu sẽ chép lại tin nhắn rất hài hước của một người bạn sống trong phường Thảo Điền, nơi cư ngụ của tầng lớp trung lưu, dân trí khá cao và rất nhiều người nước ngoài. Anh bạn nhắn rằng “mỗi ngày có một tin giật gân mày ạ, hôm nay hàng trăm người xếp hàng rồng rắn trước cửa siêu thị An Nam, hàng dài đến tận nhà hàng P’TI Saigon của nhà mày (có nghĩa là khoảng 300 mét). Mỗi người ra về với một lượng hàng hóa khổng lồ và có thể là nàng Cô Vy sẽ theo chân họ về nhà”.

Ý kiến kiên định của tôi thì hiện tượng này không thuộc vào ý thức hệ, mà là sự sinh tồn, sự sợ hãi và lo lắng không biết từ 23-8 đến 6-9 liệu họ và gia đình sẽ sống như thế nào khi báo chí và truyền thông đăng tin ầm ầm và rất văn học rằng sẽ “ai ở đâu thì ở đó, nhà cách ly với nhà, phố cách ly với phố, …”, rồi nào là “ba tại chỗ”, “một cung đường hai địa điểm”, “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn,; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”. Người văn hay chữ tốt như tôi mà cũng không thể hiểu được đó là gì, và tìm hoài cũng không thấy định nghĩa cho mấy cụm từ hoa mỹ này ở đâu. Nói tóm lại là người dân gần như là không có lựa chọn nào khác, mà đâu chỉ có chuyện mua thức ăn.

Các thông tin, văn bản bảo mật mới được soạn thảo, hoặc lỡ ký (tôi nói lỡ ký vì có thể vài giờ sau đó, hay một ngày sau đó lại sửa đổi bằng một văn bản khác) chẳng còn là bảo mật mà được gửi cho nhau trong nhóm này lan qua các nhóm khác. Đêm Thứ Sáu, ngày 20-8-2021, tôi cũng nhận được một văn bản mật về việc điều động quân đội tham gia hỗ trợ Sài thành, chưa kịp mừng vì tôi tin vào Quân Đội Việt Nam thì thấy hình ảnh xe tăng thiết giáp chạy ầm ầm ngoài đường phố Sài Gòn được lan truyền bí mật trong người dân, rồi từ từ không còn bí mật nữa mà xuất hiện trên mạng xã hội kể cả trước khi báo chí chính thức đưa tin, tôi nhắn tin cho một lãnh đạo “Anh ơi, chưa gì mà xe tăng và thiết giáp đã chạy ầm ầm ngoài đường rồi là sao??? Ý em là kế hoạch chưa có gì cụ thể, chưa có thông tin cho người dân mà bộ đội đã vào cứ như chiến tranh đổ bộ bí mật ấy. Em đọc hết các loại văn bản vẫn chưa có văn bản nào quy định nhân lực y tế sẽ phải làm gì, có được đi lại hay không, em cần phải biết để tổ chức cho FV”.

Chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ mà thông tin trên truyền thông hỗn loạn theo một chu kỳ đã khá quen thuộc từ mấy tháng nay:

Bước 1: Lộ tin đồn

Bước 2: Lan tin đồn

Bước 3: Phủ nhận tin đồn

Bước 4: Thực hiện lời đồn

Thực hư đằng sau sự hỗn loạn truyền thông

Rồi thì cuối cùng chúng tôi cũng nhận được công văn chính thức, nhưng đọc đi đọc lại cũng không thấy hướng dẫn cụ thể dành cho lực lượng y tế. Hiện FV đang thuê tổng cộng là 100 căn hộ cộng thêm khu nhà ở Housing trong khuôn viên bệnh viện cho nhân viên cư trú sau giờ làm việc trong thời kỳ đại dịch, nhưng có vắt chân lên cổ thì chúng tôi cũng không thể trở tay kịp nếu phải lo chỗ ăn và ở cho cả ngàn nhân viên trong thời gian ngắn như thế.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhận được công văn 2796 của UBND ký và phát hành vào lúc 15:09 ngày 21/8/2021 cho phép đội ngũ nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế di chuyển không giới hạn … nhưng phải có giấy phép lưu thông do SYT cấp. Có nghĩa là chỉ trong 33 tiếng đồng hồ trước 0 giờ ngày 23/8 SYT sẽ phải in và cấp cho toàn bộ nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế của 32 bệnh viện thành phố, 24 bệnh viện quận huyện, các phòng y tế, các trung tâm y tế, các cơ sở y tế tư nhân. Quả là một số lượng khổng lồ công việc bên cạnh vô vàn các công việc khác mà họ đang phải chuẩn bị cho thời khắc “3 tại chỗ” hay “một cung đường hai điểm đến”. Chờ mãi không thấy thêm chỉ thị gì từ SYT mà thời gian thì cứ trôi qua, chúng tôi quyết định cứ dùng thẻ cũ, bổ sung thêm địa chỉ nơi cư trú mới của nhân viên, đồng thời gửi danh sách nhân viên qua cho SYT, trong lúc chính bản thân SYT cũng chưa biết ai sẽ phụ trách việc này.

Đang chạy nước rút để chuyển việc tiêm vắc xin cho 500 bệnh nhân đã được hẹn vào ngày thứ Hai qua ngày Chủ Nhật, 22-8-2021 vì thông tin liên quan đến giấy thông hành cho người tiêm đi tiêm vắc xin rất lờ mờ, chúng tôi sợ sẽ không thể thực hiện được kế hoạch tiêm vắc xin vào ngày 23-8 sau thời điểm KHÔNG giờ, thì chúng tôi nhận được tin vui, công văn 2800 của UBND thành phố đề ngày 21/8 nhưng ký phát hành vào lúc 15:01 ngày 22/8 điều chỉnh bổ sung một số nội dung chi tiết, trong đó việc cấp giấy phép lưu thông cho nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch bệnh Covid-19 ((không hạn chế số lượng), người cung ứng thuốc, vật tư y tế, bảo trì trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế sẽ do thủ trưởng các cơ sở y tế cấp, vài tiếng sau SYT ban hành một mẫu giấy đi đường mới … phải bỏ hết các mẫu trước đó, chúng tôi vắt chân lên cổ mà chạy, chúng tôi chỉ có hơn 1.000 nhân viên … nhỏ bé so với các cơ sở y tế công lập đang ngày đêm chống dịch …

Giấy thông hành cho người đi tiêm vắc xin sẽ do UBND cấp xã cấp! Ôi, cấp như thế nào? Người dân đâu được ra đường để mà đi xin cấp! Đâu chỉ có UBND cấp xã tổ chức tiêm vắn xin, còn có các bệnh viện, các doanh nghiệm và các tổ chức khác nữa, xin là xin như thế nào? Bệnh viện FV của chúng tôi đã phải vượt qua không biết bao khó khăn để đưa người đi tiêm vắc xin vượt qua chốt chặn để thực hiện nghĩa vụ tiêm! Tôi đã đích thân khiến nghị với Sở Y Tế với hy vọng họ sẽ mạnh dạn đóng góp ý kiến với Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Dịch & UBND TP. HCM đưa ra một giải pháp tốt hơn. Đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin là một trong những trọng điểm của thành phố đề ra!

Nói đến chuyện tiêm vắc xin thì nhiều lắm, tôi đơn cử đưa ra một ví dụ điển hình liên quan đến việc trì hoãn tiêm do Bộ Y Tế ban hành. Bệnh viện FV được yêu cầu cung cấp một danh sách các bệnh nhân có bệnh lý mãn tính trên 65 tuổi trong một thời gian mà tiếng Anh gọi là “no time”, và thế là được cấp gần 500 liều Moderna đã rã đông phải tiến hành tiêm với thời hạn “no time” nếu không thì hết hạn. Chúng tôi huy động nhân viên liên lạc với bệnh nhân theo danh sách đã cung cấp cho SYT, người thì điện thoại ngoài vùng phủ sóng, người thì “tôi đã được tiêm ở phường”, người thì trong khu vực phong tỏa, cuối cùng chúng tôi cũng gọi được khoảng hơn 200 bệnh nhân có bệnh nền tới được để tiêm. Tính sao với số vắc xin còn lại? (Vì là vắc xin của Chính Phủ nên chúng tôi phải làm theo chỉ đạo của Chính Phủ), thế là chúng tôi quyết định ưu tiên tiêm cho bệnh nhân là phụ nữ có thai, điều này phù hợp với hướng dẫn quốc tế … nhưng không phù hợp với quy định hiện hành của BYT, thế là bị “thổi còi”, đang trong đỉnh dịch ban giám đốc của FV phải dành thời gian tiếp đoàn thanh tra đến lập biên bản. Tôi nhắn tin cho lãnh đạo BYT, Tổng Giám Đốc của chúng tôi mất một buổi trời tập hết các y văn thế giới để trình bày với BYT rằng không thể trì hoãn tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ có thai, chúng tôi dịch ra tiếng Việt và gửi cho BYT và SYT TP Hồ Chí Minh. Hai hôm sau chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, BYT ra sắc lệnh ưu tiên không trì hoãn tiêm vắc xin cho phụ nữ có thai.

Mỗi ngày chúng tôi, cụ thể Tổng Giám Đốc, Giám Đốc Pháp Lý và tôi là Giám Đốc Đối Ngoại đọc hàng tá tài liệu, hướng dẫn, quyết định từ Chính Phủ, từ BYT (bộ trưởng, và các thứ trưởng), từ UBND TP HCM, từ SYT, mỗi một tài liệu dài cả hàng chục trang, tài liệu ngày hôm sau sửa đổi cho tài liệu ngày hôm trước, hướng dẫn cứ bị chồng chéo lên nhau, rối rắm, khó hiểu, không biết phải áp dụng thế nào cho hợp pháp, để không bị phạt, không bị rút giấy phép, …

MỌI VIỆC CỨ RỐI NHƯ CANH HẸ

Lãnh đạo cao nhất của ngành y đã ghi nhận công lao và sự hy sinh của đội ngũ mà ông đang lãnh đạo như thế nào?

Khi tôi viết những dòng này, tôi vẫn bị ám ảnh bởi tuyên bố của Bộ Trưởng Bộ Y Tế trong bài báo trên Báo Tuổi Trẻ online vào lúc 23:04 ngày 17/8 “Bệnh viện công nào của thành phố từ chối bệnh nhân, đề nghị TP kỷ luật; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh kỷ luật, cơ sở y tế tư nhân sẽ rút giấy phép ngay. Phải đặt tính mạng, sức khỏe của người bệnh lên trên, lên trước hết”. Ông tuyên bố vào đúng lúc mà toàn hệ thống y tế công tư do ông phụ trách đang gồng mình vì quá tải, bệnh nhân nhiễm COVID-19 nằm chồng chất lên nhau, nằm cả ra ngoài trời không có mái che, Sài Gòn mùa mưa, bệnh nhân thở bằng máy dưới áo mưa ướt sũng không che nổi sự thống khổ của dân và sự hy sinh của đội ngũ mà ông đang lãnh đạo. Bệnh viện đã quá tải, vừa không còn chỗ, vừa không còn người thì làm sao mà nhận thêm được bệnh nhân nữa lẽ nào Ngài Bộ Trưởng không biết? Họ cần một lời động viên, sự nhìn nhận và giải pháp để họ có thể không phải bất lực đứng nhìn bệnh nhân phải rời cổng bệnh viện mình đi kiếm một bệnh viện khác đang còn chỗ trống.

Tôi tin vào Quân Đội Việt Nam

Có những thông tin bảo mật mà báo chí không đưa thì tôi cũng xin không được chia sẻ, nhưng tôi tin vào tính kỷ luật và truyền thông nhất quán từ trên xuống dưới của quận đội. Tôi có một niềm tin vững chắc rằng sẽ không còn có chuyện “thủ kho to hơn thủ trưởng”, sẽ không còn có chuyện “bánh mì không phải là thiết yếu”, sẽ không còn có chuyện ngăn cấm lực lượng y tế di chuyển tham gia chống dịch, sẽ tạo điều kiện cho người dân được đi tiêm vắc xin. Cho dù chiến lược truyền thông vẫn còn lủng củng, mấy hôm nay tôi đọc các kế hoạch và các công văn tôi nhận thấy nó không còn dài lê thê bla bla, tôi thấy có kế hoạch cụ thể lo cho người lao động để họ không phải di cư về quê, tôi thấy Chính phủ đã huy động lực lượng quân y và các lực lượng y tế khác vào hỗ trợ miền nam.

Mong cả nước đẩy lùi đại dịch nhanh chóng nhất

Chia tay các sinh viên vào chiều tối 21/8, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai kêu gọi sinh viên nâng cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong công việc để có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Lệ Thu GUILLON

Mỗi người có một cách định nghĩa về cuộc sống đẹp của chính mình. Lệ Thu định nghĩa bằng từng khoảnh khắc cụ thể chị sống với chính mình và mọi thứ xung quanh, gói gọn trong 3 từ “live – love – laugh”, với ý nghĩa sống hết đam mê, yêu hết mình và luôn mỉm cười với mọi thứ. Người phụ nữ này khiến người ta đan xen giữa lòng ngưỡng mộ và sự ghen tị. Bởi chị đối đãi với cuộc sống bằng sự say mê, hân hoan. Bàn tay biết bắt giữ từng khoảnh khắc hạnh phúc và cả niềm kiêu hãnh.

2 Comments

Leave a Reply

Latest from FV

Discover more from Lệ Thu Guillon

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading